Trường TH vàTHCS Huy Hạ tổ chức Hội thảo chuyên đề nâng cao chất lượng vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong dạy học

Phương pháp “Bàn tay nặn bột” là một phương pháp dạy học tích cực, thích hợp cho việc giảng dạy các kiến thức khoa học tự nhiên, đặc biệt là đối với bậc tiểu học và trung học cơ sở, khi học sinh đang ở giai đoạn bắt đầu tìm hiểu mạnh mẽ các kiến thức khoa học, hình thành các khái niệm cơ bản về khoa học. Tập trung phát triển khả năng nhận thức của học sinh, giúp các em tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc trẻ thơ bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó khám phá ra bản chất vấn đề.

Với mục đích nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, giáo viên có năng lực chuyên môn vững vàng, vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” linh hoạt, phù hợp với đối tượng học sinh, cấp tiểu học trường TH&THCS Huy Hạ đã tổ chức hội thảo chuyên đề nâng cao chất lượng vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong dạy học các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học.

Hội thảo được tổ chức trong hai ngày (09, 10/10/2019) tại điểm trường chính của cấp tiểu học nhà trường. Qua hội thảo đội ngũ CBQL, giáo viên cấp tiểu học được trải nghiệm 5 nội dung:

1. Tiến trình dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”

Bước 1: Tình huống xuất phát và câu hỏi nêu vấn đề

Bước 2: Bộc lộ quan niệm ban đầu của học sinh

Bước 3: Đề xuất câu hỏi hay giả thuyết và thiết kế phương án thực nghiệm

Bước 4: Tiến hành thí nghiệm tìm tòi – nghiên cứu

Bước 5: Kết luận và hợp thức hoá kiến thức

2. Các kỹ thuật dạy học và rèn luyện kỹ năng cho học sinh trong phương pháp “Bàn tay nặn bột”

Tổ chức lớp học; Giúp học sinh bộc lộ quan niệm ban đầu; Kỹ thuật tổ chức hoạt động thảo luận cho học sinh; Kỹ thuật tổ chức hoạt động nhóm trong phương pháp “Bàn tay nặn bột”; Kỹ thuật đặt câu hỏi của giáo viên; Rèn luyện ngôn ngữ cho học sinh thông qua dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”; Kĩ thuật chọn ý tưởng, nhóm ý tưởng của học sinh; Hướng dẫn học sinh đề xuất thí nghiệm nghiên cứu hay phương án tìm câu trả lời; Hướng dẫn học sinh sử dụng vở thí nghiệm; Hướng dẫn học sinh phân tích thông tin, hiện tượng quan sát khi nghiên cứu để đưa ra kết luận; So sánh kết quả thu nhận được và đối chiếu với kiến thức khoa học; Đánh giá học sinh trong dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”.

3. Địa chỉ các bài trong môn TN&XH, Khoa học có thể áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”

4. Thực hiện dự giờ theo hướng nghiên cứu bài học tiết dạy vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”

Tổ chức dự giờ theo hướng nghiên cứu bài học 02 tiết dạy vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”: Tiết TN&XH lớp 3, tiết Khoa học lớp 4.

5. Trao đổi chia sẻ các tiết dạy vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”

Sau hội thảo tiến hành trao đổi chia sẻ 02 tiết dạy vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Giáo viên 5 khối lớp triển khai các nội dung đã tiếp thu, lĩnh hội tại hội thảo cấp trường về nâng cao chất lượng vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong dạy học môn TN&XH, Khoa học (theo địa chỉ các bài của từng khối lớp) phù hợp hiệu quả với đối tượng học sinh. Thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học tiếp tục quan sát, dự giờ, trao đổi rút kinh nghiệm.

Nâng cao chất lượng vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong dạy học các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học là một việc làm đòi hỏi CBQL, GV có đầu óc sáng tạo, có kỹ năng tổ chức, hợp tác, chia sẻ, nên mỗi giáo viên không ngừng học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụtrình độ tin học. CBQL, GV phải nắm vững các nguyên tắc của “Bàn tay nặn bột”; tiến trình dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”; các kỹ thuật dạy học và rèn luyện kỹ năng cho học sinh trong phương pháp “Bàn tay nặn bột”; địa chỉ các bài trong môn TN&XH, Khoa học có thể áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”. CBQL, GV phải có kiến thức khoa học tự nhiên vững vàng và khả năng linh hoạt để ứng phó với mọi tình huống bất ngờ xảy ra trong tiết học. Về phía HS, các em phải có vốn kiến thức thực tế phong phú, phải chủ động học tập, phải năng động, sáng tạo. Ngay từ bước tiến hành đầu tiên, GV phải tìm được tình huống có vấn đề liên quan đến bài học để khơi gợi sự khao khát tìm hiểu cái mới lạ từ HS. Điều này không hề đơn giản. Người thầy phải có kiến thức vững và nhanh nhạy mới tìm ra được tình huống phù hợp với bài học, với đối tượng là HS tiểu học. Khi đã có được tình huống nêu vấn đề nhưng HS lại không tìm ra được vấn đề cốt lõi cần tìm hiểu thì đòi hỏi GV phải nhanh chóng, khéo léo để đưa về vấn đề.

Khi áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào dạy học cần lưu ý: Liệt kê các bài học có thể áp dụng phương pháp BTNB; Giáo viên cần chuẩn bị trước các thí nghiệm dự kiến để có kết quả như mong muốn; Vận dụng tối đa những nguyên vật liệu sẵn có, dễ kiếm; Sử dụng CNTT cho bài dạy áp dụng phương pháp BTNB đúng lúc, đúng chỗ, hợp lí; Với một số thí nghiệm đơn giản, giáo viên có thể giao việc cho học sinh bằng những phiếu giao việc, tự học sinh chuẩn bị các vật liệu cho nhóm của mình.

Chắc chắc rằng, sau hội thảo chuyên đề này CBQL, GV nhà trường sẽ được nâng cao chất lượng vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” trong dạy học môn TN&XH, Khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2019-2020./.

                                               Theo cấp tiểu học Trường TH&THCS Huy Hạ