HỌC SINH TRƯỜNG THCS HUY TÂN VỚI VIỆC HỌC CHỮ THÁI

HỌC SINH TRƯỜNG THCS HUY TÂN VỚI VIỆC HỌC CHỮ THÁI

      Trong lịch sử dựng nước, giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn phát huy tinh thần anh dũng, kiên cường, bất khuất, không cúi đầu trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào. Cũng trong quá trình ấy, dân tộc Việt Nam ý thức rất rõ ràng về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trong đó có việc bảo tồn vốn tiếng nói, chữ viết riêng.

      Người Thái là một trong số rất ít các dân tộc thiểu số ở nước ta có chữ viết từ lâu đời. Tuy chưa xác định được cụ thể thời điểm xuất hiện của chữ Thái, nhưng hàng ngàn năm nay, các nhóm Thái ở nước ta đã sử dụng con chữ riêng của mình cho đến ngày nay. Người Thái ở Việt Nam, cũng như cộng đồng người Thái sống ở nước ngoài, đã và đang sử dụng, giữ gìn và bảo tồn nó. Bộ chữ Thái là một công cụ để ghi nhận và giao tiếp trong cộng đồng người Thái. Nó ghi nhận và phản ánh đầy đủ, phong phú và tế nhị tư tưởng, tình cảm và tâm hồn trong sáng lành mạnh của dân tộc Thái, các hoạt động của con người như lao động sản xuất, đấu tranh chống thiên nhiên, đấu tranh chống giặc ngoại xâm và sinh hoạt của con người trong xã hội, mặt khác nó còn phản ánh văn hoá nghệ thuật (Thơ, ca, tục ngữ, truyện, các phong tục tập quán…) những di sản đó đều được bộ chữ Thái ghi chép và truyền đạt lại từ thế hệ này sang thê hệ khác.

       Chữ Thái được nhân dân một số vùng người Thái cư trú truyền dạy học cho con cháu theo con đường cha truyền con nối đến tận bây giờ, không có trường, lớp học, không có sách giảng dạy, không có tài liệu hướng dẫn.

      Cuộc hội thảo tháng 5/2008 đã thống nhất được bộ chữ Thái Việt Nam do 7 tỉnh có dân tộc Thái (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Thanh Hoá, Nghệ An) biểu quyết nhất trí lấy bộ chữ Thái đen vùng Tây Bắc làm chuẩn và bổ sung thêm 6 bộ tô (của Thái trắng, Thái Nghệ An, Thanh Hoá), hai dấu thanh điệu và đặt tên là chữ Thái Việt Nam. Thống nhất soạn thảo tài liệu giảng dạy chữ Thái cho địa phương mình cho phù hợp.

        Từ năm 2004 đến nay phong trào dạy và học tiếng chữ dân tộc Thái tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Mai Châu (Hòa Bình); Nghĩa Lộ (Yên Bái); Nghệ An; Thanh Hóa, được mở ra khắp nơi. Đặc biệt tại Sơn La phong trào giữ gìn, bảo tồn phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa Thái được Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh quan tâm, cho phép các nhà nghiên cứu sưu tầm sáng tác các tác phẩm văn hóa cổ, cho phép mở các lớp dạy và học tiếng nói và chữ viết của dân tộc Thái. Từ năm 2013, khi UBND tỉnh Sơn La ban hành QĐ Số: 1428/QĐ-UBND Phê chuẩn Bộ chữ cổ truyền dân tộc Thái tỉnh Sơn La thì việc phổ biến và học tập chữ viết của  đồng bào người Thái Sơn La nói chung, Phù Yên nói riêng đã có cơ sở và tài liệu học tập. Việc giảng dạy, phổ biến chữ Thái tới cộng đồng người Thái nói riêng cộng đồng các dân tộc khác nói chung là vô cùng cần thiết. Đó là một cách bảo tồn ngôn ngữ và chữ viết quan trọng và hữu hiệu nhất hiện nay.

        Ở huyện Phù Yên, có khoảng 50 người trong đó chủ yếu là  cán bộ giáo viên được cử theo học các lớp chữ Thái tại trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La. Một số đồng chí đã hoàn thành khóa học và có thêm chứng chỉ giảng dạy do trường Cao đẳng Sơn La cấp (cô Cầm Thị Hường – Tiểu học Suối Tọ I, Hà Thị Thăm – Tiểu học Thị trấn và cô Nguyễn Thị Trinh – Tiểu học Quang Huy). Tuy nhiên việc triển khai giảng dạy chữ Thái mới chỉ được Phòng Nội vụ huyện tổ chức một đợt vào hè 2017 cho 38 học viên chủ yếu là trưởng các ban ngành trong huyện và một số đồng chí là cán bộ quản lí, giáo viên do cô Cầm Thị Hường giảng dạy. Việc giảng dạy cho học sinh chưa được triển khai thực hiện.

        Trường THCS Huy Tân huyện Phù Yên nằm trên địa bàn xã Huy Tân, cách trung tậm huyện chừng 3 km. Học sinh đa số là con em đồng bào dân tộc, chiếm số lượng đông nhất là dân tộc Mường 82,5%, Thái 26,3 %. Do đặc điểm địa hình và lối sống quần cư nên các dân tộc ở đây đều sinh sống trên cùng địa bàn, lối sống sinh hoạt có nhiều nét tương đồng. Ngôn ngữ của dân tộc Thái hay Mường cũng đều được các dân tộc cùng sử dụng chung trong giao tiếp. Tiếng Thái ở đây được sử dụng rất phổ biến trong giao tiếp. Tuy nhiên, thống kê cho thấy 99% người Thái trên địa bàn huyện Phù Yên nói chung, xã Huy Tân nói riêng và 100 % học sinh ở các trường THCS trong toàn huyện nói rất tốt tiếng Thái nhưng không biết và không đọc được chữ viết của dân tộc mình trong đó có học sinh trường THCS Huy Tân. 

       Trước thực trạng trên và đề nghị của một nhóm học sinh, trường THCS Huy Tân đã chủ động liên hệ với một số thầy cô giáo trong huyện có kinh nghiệm truyền dạy bộ chữ Thái giúp các em học sinh có thể đọc thông viết thạo chữ của đồng bào dân tộc Thái.

Ảnh: Thầy giáo Lò Tiến Ninh  trao đổi với Thầy và trò trường THCS Huy Tân 

                                                                      (Nguồn THCS Huy Tân)

       Với khoảng 80 học sinh và giáo viên đăng kí học tập, trường tổ chức thành 2 lớp thực hiện dưới hình thức học tập ngoại khóa ( vào các buổi chiều thứ 3 hàng tuần) và bắt đầu thực hiện vào đầu tháng 10 năm 2017. Các lớp học được chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về cơ sở vật chất và tài liệu học tập. Đứng lớp là thầy giáo Lò Tiến Ninh và cô giáo Cầm Thị Hường. Không khí các lớp học rất sôi nổi. Nhiều em tỏ rõ sự thích thú và say mê, đi học chuyên cần, chăm chỉ, ham học hỏi. Song bên cạnh đó, cũng có không ít học sinh tỏ ra ngại ngần nản chí và than rằng “học chữ Thái rất khó” nên bỏ học giữa chừng.

       Sau khoảng thời gian ngắn học tập, nhiều em đã biết mặt chữ đọc được một số từ  đơn giản và biết ghép câu. Nhiều em về nhà đã bắt đầu dạy lại chữ cho ông bà, bố mẹ, anh chị em trong gia đình mình. Tuy mới chỉ bước đầu thực hiện, hiệu quả của việc truyền dạy chưa nhiều, các chặng đường học tập phía trước còn lắm gian nan, song với quyết tâm học tập,  ý thức được việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết dân tộc mình chắc chắn rằng lớp học chữ Thái đầu tiên dành cho học sinh ở huyện Phù Yên sẽ đạt được những thành quả tốt đẹp.

            Một số hình ảnh về lớp học tập  chữ Thái

Ảnh: Thầy giáo Lò Tiến Ninh dạy chữ Thái cho CBGV trường (Nguồn THCS Huy Tân)

Ảnh: Lớp học chữ Thái của thầy giáo  Lò Tiến Ninh. (Nguồn THCS Huy Tân)   

  

                                                                     

 

 

             Ảnh: Lớp học chữ Thái của cô giáo  Cầm Thị Hường  (Nguồn THCS Huy Tân)

Ảnh: Học sinh trao đổi với thầy giáo sau giờ học. (Nguồn THCS Huy Tân)